Với vị trí địa lý thuận lợi, tài nguyên thiên nhiên phong phú, hạ tầng đồng bộ, chính sách thu hút đầu tư cởi mở, hấp dẫn…, là những điều kiện quan trọng khiến Yên Bái được đánh giá là một “miền đất hứa” đầy tiềm năng cho các nhà đầu tư bất động sản.
Mục Lục
1. Vị trí chiến lược mang ý nghĩa kinh tế
Yên Bái là một tỉnh nằm ở trung tâm vùng núi và trung du Bắc Bộ Việt Nam, phía Tây Bắc giáp tỉnh Lào Cai và tỉnh Lai Châu; phía Đông và Đông Bắc giáp tỉnh Hà Giang và tỉnh Tuyên Quang; phía Đông Nam giáp tỉnh Phú Thọ và phía Tây giáp tỉnh Sơn La.
Nằm giữa tuyến hành lang kinh tế chủ lực Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, Yên Bái có thể coi là cửa ngõ miền Tây Bắc, kết nối giao lưu kinh tế thương mại không chỉ với các tỉnh trong vùng, các trung tâm kinh tế lớn trong cả nước mà còn với cả nước ngoài, đặc biệt là với các tỉnh phía Tây Nam của Trung Quốc và các nước trong khối ASEAN.
2. Hạ tầng được nâng cấp, đồng bộ từng ngày
Năm 2020 tỉnh Yên Bái đã dành nguồn lực trên 2.800 tỷ đồng đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Trong đó, tập trung ưu tiên đầu tư một số công trình trọng điểm, có tác động lớn đến việc phát triển, mở rộng không gian đô thị và kinh tế – xã hội.

Công trình đường nối Quốc lộ 32C với Cao tốc Nội Bài- Lào Cai chính thức được thông xe kĩ thuật với tổng mức đầu tư 930 tỷ đồng, chiều dài toàn tuyến trên 15 km, bề rộng mặt đường 33m, quy mô 4 làn xe chạy, có dải phân cách giữa, hệ thống cây xanh, điện chiếu sáng và chỉ dẫn giao thông được đầu tư khang trang, hiện đại.
Công trình được đầu tư đã giúp cho mạng lưới giao thông của thành phố Yên Bái và các địa phương lân cận phát triển theo hướng đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận tiện với cao tốc Nội Bài – Lào Cai, mở rộng không gian đô thị sang phía hữu ngạn sông Hồng, tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trong những năm tới.
Khoảng cách từ Yên Bái tới các vùng kinh tế trọng điểm như Thủ đô Hà Nội, cửa khẩu Lào Cai, cảng Hải Phòng và các vùng kinh tế phụ cận như Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Sơn Tây, Hòa Bình được rút ngắn đi rất nhiều.
Cùng với các tuyến cao tốc, tỉnh lộ, huyện lộ, các trục đường liên xã, liên thôn, xóm trên địa bàn được quan tâm đầu tư, nâng cấp, cải tạo một cách đồng loạt.
Chính những điều kiện thuận lợi về hạ tầng tại Yên Bái hứa hẹn đưa vùng đất Tây Bắc vươn mình phát triển kinh tế, tạo lực đẩy rất lớn cho bất động sản khu vực.
3. Bất động sản Yên Bái được thừa hưởng tài nguyên du lịch
Là “cửa ngõ phên dậu” vùng Tây Bắc, nơi giao thoa của hai khu vực Đông Bắc – Tây Bắc, của những nền văn hoá đa sắc tộc, Yên Bái được thiên nhiên ban tặng nhiều ưu thế. Sự hấp dẫn của vùng đất này là hình sông thế núi, được kiến tạo dọc sông Hồng trên nền phù sa cổ sinh, với những cánh đồng bằng phẳng đan xen cùng núi non ngoạn mục vươn sát bờ sông tạo thành những lát cắt phóng khoáng, trùng điệp.
Khu du lịch danh thắng hồ Thác Bà có diện tích trên 19.000 ha, với trên 1.300 hòn đảo lớn, nhỏ được bao bọc bởi dãy núi hùng vĩ và nhiều hang động kỳ thú như: động Thủy Tiên, động Xuân Long, hang Bạch Xà, núi Cao Biền, núi Chàng Rể và được gọi là “Vịnh Hạ Long trên núi”. Nơi đây có tiềm năng phát triển các loại hình du lịch sinh thái với quy mô lớn.

Khu vực Miền Tây (huyện Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ) có cánh đồng Mường Lò – vựa lúa lớn thứ hai vùng Tây Bắc. Các danh lam thắng cảnh và điểm du lịch độc đáo như:
- Suối Giàng nằm trên độ cao gần 1.400m – nơi có chè San Tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi;
- Suối nước nóng Bản Bon – nguồn nước nóng thiên nhiên với độ nóng 350C – 450C;
- Vùng ruộng bậc thang Mù Cang Chải với 2.300 ha đã được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt và được báo chí Mỹ ca ngợi là có vẻ đẹp ngoạn mục, tinh tế nhất trên thế giới;
- Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu huyện Văn Yên; hồ Đầm Vân Hội thuộc huyện Trấn Yên
- Khu bảo tồn loài và sinh cảnh xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải… rất thích hợp với việc phát triển các khu nghỉ sinh thái, hệ thống các nhà nghỉ đơn lập kiến trúc vùng cao, các khu sinh cảnh…

Bên cạnh đó, Yên Bái còn có nhiều di tích văn hóa, lịch sử lâu đời, cùng với văn hóa ẩm thực của các dân tộc và kho tàng văn hóa phi vật thể phong phú như múa xòe, múa khèn, hát giao duyên… là yếu tố thu hút khách du lịch trong nước ngoài nước đến đây thăm quan và nghỉ dưỡng. Chính vì vậy tiềm năng bất động sản Yên Bái ngày càng được đánh giá cao.
4. Môi trường đầu tư bất động sản Yên Bái ngày càng thuận lợi
Yên Bái đã không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để mở cửa đón và thu hút các doanh nghiệp. Chỉ số năng lực cạnh tranh trên toàn tỉnh (PCI) của Yên Bái đứng thứ 33/63 tỉnh thành, tương đương Vĩnh Phúc, Nam Định, Thanh Hóa, Hải Dương.
Cụ thể, lãnh đạo địa phương lấy việc cải cách thủ tục hành chính làm trọng tâm, nâng cao chất lượng công tác thẩm định hồ sơ dự án. Đồng thời, rút ngắn tối đa thời gian cho ý kiến của các sở ngành, địa phương liên quan đối với các dự án đầu tư vào tỉnh, nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn.

Nhờ vậy, Yên Bái đã thu hút được nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước tìm đến để đầu tư.
Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2021, tỉnh Yên Bái đã cấp mới quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 23 dự án đầu tư, tổng vốn đăng ký 2.729,3 tỷ đồng, trong đó: UBND tỉnh Yên Bái cấp 20 dự án, tổng vốn đăng ký 2.483,3 tỷ đồng; Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cấp 03 dự án, tổng vốn đăng ký 246 tỷ đồng. Cụ thể: 01 dự án lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản; 12 dự án lĩnh vực công nghiệp; 10 dự án lĩnh vực thương mại, dịch vụ và các ngành kinh tế khác.
Với những điều kiện lý tưởng trên, Yên Bái đang là một trong số những điểm hẹn tiềm năng cho các nhà đầu tư trong làn sóng chuyển dịch từ nội đô sang các tỉnh lẻ.